Tọa đàm "Xung đột Nga – Ukraine: Dự báo biến động và giải pháp quản trị của PVN"

Ngày 08/04, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức Tọa đàm "Xung đột Nga – Ukraine: Dự báo biến động và giải pháp quản trị của PVN".


Toàn cảnh tọa đảm

Tham dự Tọa đàm có ông Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ, Chủ tịch Hội Việt –Mỹ; Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ quốc gia.

Về phía Petrovietnam có Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng, các đồng chí Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, đại diện lãnh đạo các Ban chuyên môn/Văn phòng Tập đoàn, lãnh đạo một số đơn vị thành viên tại các điểm cầu.

Đề dẫn tại tọa đàm, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt về các vấn đề xung quanh bối cảnh xung đột Nga – Ukraine hiện nay gây ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện và tiêu cực, trước mắt và lâu dài tới kinh tế, thương mại, tài chính, tới chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu của thế giới cũng như Việt Nam. Với Petrovietnam nói riêng, Nga là đối tác truyền thống về khai thác dầu khí có những ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.


Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhận định, xung đột kéo dài dẫn đến nhiều rủi ro cho hoạt động đầu tư của Petrovietnam. Trước buổi tọa đàm một ngày, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn đã “họp thông” 3 ngày bàn về nhiều vấn đề mà Tập đoàn đang phải đối mặt. Kể từ khi xung đột xảy ra, lãnh đạo Tập đoàn đã luôn quan tâm, theo dõi, cập nhật sát sao mọi diễn biến thông qua việc tổ chức nhiều cuộc họp, các buổi tọa đàm cùng các chuyên gia kinh tế hàng đầu nhằm nhận định những ảnh hưởng tới hoạt động SXKD của Petrovietnam, qua đó, tăng cường công tác dự báo, xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với khủng hoảng chính trị và giá dầu.

Là một người có 4 năm kinh nghiệm làm đại sứ Việt Nam tại Mỹ (2014-2018), ông Phạm Quang Vinh đã khái quát về bức tranh toàn cảnh và chia sẻ quan điểm về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Hệ lụy kéo theo cuộc xung đột giữa các nước lớn ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương, như Nga, Mỹ, NATO... đẩy căng thẳng giữa Nga và Mỹ cùng đồng minh NATO lên đỉnh điểm.


Ông Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Đối với Nga, “chiến dịch quân sự đặc biệt” năm 2022 được xem là “trận đánh chiến lược” của Tổng thống Nga V. Putin, do đó Nga chấp nhận đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm cả việc sẵn sàng chuẩn bị đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế ngặt nghèo, kéo dài của Mỹ và phương Tây. Nga cũng hiểu rất rõ, chiến tranh sẽ tạo thêm một gánh nặng mới đối với nền kinh tế Nga vốn bị ảnh hưởng nhiều do Nga là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Chính phủ Nga đã đưa ra thông báo, Nga có đủ nguồn lực tài chính cho sự ổn định của hệ thống trước các lệnh trừng phạt và các mối đe dọa từ bên ngoài.

Ông Phạm Quang Vinh cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây với Nga có thể làm GDP của Nga sụt giảm nặng nề. Tuy vậy, các đòn trừng phạt kinh tế Nga gây cho kinh tế thế giới phải hứng chịu nhiều hệ luỵ khó có thể xử lý trong một sớm một chiều.

Nga có nguồn năng lượng lớn nhất thế giới, chiếm tới 13% tổng trữ lượng dầu mỏ và 34% trữ lượng khí đốt thế giới đã được phát hiện. Nước Nga sản xuất 10% lượng dầu toàn cầu, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu dầu mỏ, đứng đầu thế giới về xuất khẩu khí đốt, cung cấp 40% lượng khí đốt cho châu Âu. Một trong các hệ lụy rõ nhất là giá năng lượng và lạm phát cao, làm giảm hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của nhiều quốc gia.

Cuộc xung đột đã đẩy giá dầu tăng cao nhất trong gần một thập kỷ qua sau các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga. Làm gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga khiến người dân châu Âu thiếu nhiên liệu để sưởi ấm, giá khí đốt tăng kéo theo giá điện tăng, khiến chỉ số lạm phát của các nước châu Âu liên tục lập những đỉnh mới trong những tháng vừa qua. Bên cạnh đó là sự lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu trong tháng 3 vừa qua ở mức 7,5%.

Giá năng lượng tăng cao sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới, làm giảm hiệu quả của chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế mà các quốc gia đang nỗ lực thực hiện, trong đó có Việt Nam. Có thể thấy cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine mang lại những rủi ro rất lớn cho kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau cú sốc đại dịch.

Cũng theo ông Vinh, trước tình hình hiện nay, có xu hướng nhiều tập đoàn, công ty lớn rút khỏi nước Nga. Đồng thời, các nước châu Âu bị tác động mạnh mẽ về lĩnh vực kinh tế và kéo theo nhiều quốc gia đối tác. Việt Nam là quốc gia đang phát triển, tham gia sâu rộng vào thị trường thương mại tự do trong thời gian qua, Việt Nam nên hài hòa lợi ích giữa các bên và bảo vệ lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế.

Chia sẻ về những tác động của cuộc xung đột với hoạt động dầu khí, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết, hiện nay Petrovietnam đang khai thác dầu khí tại Nga là 1,8 triệu tấn dầu, Tập đoàn đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tác động thấp nhất có thể.


Chuyên gia Võ Trí Thành

Nói về toàn cảnh kinh tế vĩ mô Quý I/2021, dự báo Quý II/2021 và những tác động ảnh hưởng tới Petrovietnam, T.S Võ Trí Thành cho biết, kinh tế – xã hội nước ta 3 tháng đầu năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn duy trì đà hồi phục, các hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu được khơi thông. Sự phục hồi đó thể hiện ở GDP tăng 5,03% (cao hơn cùng kỳ 2021 và 2020). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%, cùng với đó là sự tăng trưởng của tài chính ngân hàng, vận tải, kho bãi…

Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và Ukraine đã tạo ra một cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến hàng triệu người và là một cú sốc ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng toàn cầu. Giá các loại hàng hóa trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu. Dự báo gần đây về tăng trưởng toàn cầu năm 2022 của các tổ chức quốc tế đều giảm so với các dự báo đưa ra trước đó.

Ông Thành cũng cho rằng, có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, song trong trung và dài hạn, Việt Nam vẫn được đánh giá tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, nền kinh tế trong nước có thể chịu tác động của lạm phát khi giá dầu lên quá cao từ cuộc chiến kéo dài.

Nói về sự tác động trực tiếp đến Petrovietnam, theo ông Thành, mặc dù giá dầu tăng hỗ trợ cho hoạt động dầu khí nhưng cũng đem lại rủi ro do thị trường biến động nhanh, khó dự báo; chi phí sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá thành sản phẩm tăng, ảnh hưởng đến tiêu thụ, tác động đan xen đến nhiều lĩnh vực của Petrovietnam.

Bởi vậy, Petrovietnam cần tiếp tục tăng cường giải pháp quản trị biến động, quản trị rủi ro, cập nhật đánh giá tình hình khủng hoảng chính trị Nga - Ukraine để điều hành kịp thời với thực tiễn; cập nhật, dự báo tình hình thị trường: giá cả, cung - cầu, tồn kho,… với từng sản phẩm, lĩnh vực hoạt động để có giải pháp quản trị, điều hành hiệu quả. Cùng với đó là việc triển khai hiệu quả việc đóng góp hoàn thiện Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), chuyển đổi số, đẩy mạnh phục hồi SXKD tại một số dự án đã thoát khỏi yếu kém…


Chuyên gia Cấn Văn Lực

Đánh giá sơ bộ tác động của cuộc xung đột giữa Nga – Ukraina đối với kinh tế toàn cầu. Chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết, đến nay đã có khoảng 30 biện pháp trừng phạt (chủ yếu của phương Tây đối với Nga) trên 4 lĩnh vực: tài chính – tiền tệ, năng lượng, vận tải, lĩnh vực khác.

Trong đó có 5 biện pháp trừng phạt rất mạnh là phong tỏa tài sản của một số ngân hàng, tổ chức và cá nhân Nga; Tách một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT; cấm các tổ chức thực hiện giao dịch tài chính liên quan đến Ngân hàng Trung ương Nga, Quỹ Tài chính Quốc gia và Bộ Tài chính Nga; cấm không vận, hạn chế vận tải biển và đường sắt, làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Đặc biệt là hạn chế nhập khẩu xăng dầu và khí đốt từ Nga.

Bàn về những mặt tích cực và tiêu cực do giá xăng dầu tăng mạnh trong thời gian qua, TS Cấn Văn Lực cũng cho hay, mặt tích cực góp phần làm tăng nguồn thu NSNN từ dầu thô, gồm cả thu từ cổ tức đầu tư. Tác động tích cực đến ngành khai khoáng (nhất là dầu khí), hiện đóng góp khoảng 7,8% GDP. Song lại là vấn đề tiêu cực đối với tiêu dùng của người dân và hoạt động của doanh nghiệp do giá xăng dầu tăng mạnh, làm tăng chi phí nhập khẩu xăng dầu, qua đó làm tăng nhập siêu cũng như thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam. Làm hạn chế đà phục hồi kinh tế của Việt Nam nói chung.

Gợi ý một số giải pháp để Petrovietnam thích ứng trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia Cấn Văn Lực khuyến nghị, Tập đoàn tiếp tục xây dựng các kịch bản với giá xăng dầu khác nhau, giải pháp đối với các dự án dầu khí hợp tác, triển khai với Nga. Tìm nguồn thay thế, đa dạng hóa nguồn cung, ngoại tệ thanh toán...

Chuyên gia cũng lưu ý, Tập đoàn đẩy mạnh công tác Chuyển đổi số, đón đầu xu hướng mới, thích ứng, quản lý thay đổi, quản lý rủi ro (tỷ giá, giá dầu khí, lãi suất...) là những giải pháp tất yếu hiện nay.

Kết luận buổi tọa đàm, khẳng định những vấn đề được thảo luận hết sức cấp thiết đối với Petrovietnam, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng lưu ý: "Nếu chúng ta không có cách tiếp cận và phân tích chính xác, trong quý II và III, Tập đoàn sẽ chịu ảnh hưởng rất nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến khâu cốt lõi dẫn đến mục tiêu sản lượng không đảm bảo mục tiêu đề ra. Công cụ phương tiện để triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, thương mại cũng sẽ chịu tác động rất lớn".

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng chỉ đạo, trên cơ sở dự báo, đánh giá của Tập đoàn và các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm, các Phó Tổng Giám đốc phụ trách, Trưởng các ban chuyên môn Tập đoàn cần tổng hợp, rà soát, chắt lọc, phân tích, phân loại phân nhóm kỹ lưỡng từng thông tin, giải pháp. Đối với các nhóm vấn đề Tập đoàn không quyết định được, cần khẩn trương tổng hợp báo cáo Chính phủ, các cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.

https://petrovietnam.petrotimes.vn/

Liên hệ

  • VĂN PHÒNG GIAO DỊCH:
    Số 194 phố Thái Thịnh - Phường Láng Hạ - Quận Đống Đa - Thành phố Hà Nội
  • Hotline: (024) 385-633-21
  • Fax: (024) 385-633-19
  • Email: pvoilhanoi@pvoil.com.vn
Tin tức khác
Tin tức khác
Điều động Thứ trưởng Bộ Công thương làm Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...

Thủ tướng vừa có quyết định số 1819/QĐ-TTg, điều động, bổ nhiệm ông Hoàng Quốc Vượng giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam....

Tin tức khác
PVOIL VINH DANH CÁC TẬP THỂ, CÁ NHÂN XUẤT SẮC NHẤT NĂM 2020

Bên cạnh các hình thức thi đua khen thưởng theo quy định, Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP đã tổ chức chương trình bình chọn danh hiệu “Tập thể - cá nhân xuất...

Tin tức khác
Bầu bổ sung thành viên HĐQT PVOIL nhiệm kỳ 2018-2022

Ngày 26/01/2021, tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL, mã OIL – UpCOM) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021....

Tin tức khác
Thị trường dầu thế giới tăng giá tuần thứ năm liên tiếp

Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 trong phiên 25/6.

CÔNG TY CỔ PHẦN XĂNG DẦU DẦU KHÍ HÀ NỘI
Theo dõi chúng tôi và tham gia bằng cách gắn thẻ trải nghiệm PVOIL Hà Nội trong bài viết của riêng bạn bằng cách sử dụng hangstag

Đăng ký nhận tin từ PVOIL Hà Nội
Đăng ký để nhận thêm thông tin mới của chúng tôi

Xác nhận +
CÔNG TY CỔ PHẦN XĂNG DẦU DẦU KHÍ HÀ NỘI