Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 20/10/2022

Nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng công suất lên 109% nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; Đức lên kế hoạch áp trần giá điện; Mỹ kêu gọi các công ty năng lượng trong nước tăng sản lượng dầu… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 20/10/2022.


Nhà máy lọc dầu Dung Quất cung cấp khoảng 35% nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Nhà máy lọc dầu Dung Quất tăng công suất lên 109% nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn ngày 20/10 cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, công ty quyết định tăng công suất hoạt động của Nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 109% nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường xăng dầu đang thiếu hụt trong thời gian qua.

Dự kiến, thời gian tới, nhu cầu của thị trường tiếp tục tăng cao và nguồn dầu thô ổn định, Nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể hoạt động ở mức trên 110% công suất, góp phần ổn định thị trường xăng dầu trong nước. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã xuất bán hơn 5,8 triệu m3 xăng dầu. Tồn kho của Nhà máy lọc dầu Dung Quất thường xuyên duy trì ở mức thấp.

Công ty cũng đã đẩy nhanh công tác bán hàng, xuất hàng bằng việc cấp tối đa theo hợp đồng, cấp cộng, giao sớm hàng để hỗ trợ các đầu mối kinh doanh xăng dầu. Kể từ khi chính thức cho ra dòng sản phẩm đầu tiên vào năm 2009, Nhà máy lọc dầu Dung Quất cung cấp khoảng 35% nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Các nước EU tìm tiếng nói chung về mức trần giá khí đốt

Các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp vào ngày 20/10 tại thủ đô Brussels (Bỉ) nhằm nỗ lực hạ giá năng lượng. 15 quốc gia bao gồm Pháp, Italy và Ba Lan đang cố gắng thúc đẩy một mức trần giá năng lượng đầy tham vọng. Tuy nhiên, Đức và Hà Lan phản đối.

Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đã cố gắng thỏa mãn các quan điểm khác nhau bằng một loạt đề xuất mà họ hy vọng sẽ giúp người dân châu Âu giảm chi tiêu cho việc sưởi ấm khi mùa đông đang đến gần. Các đề xuất của EC bao gồm ý tưởng cho phép các công ty năng lượng khổng lồ của EU mua chung nhằm điều chỉnh mức giá rẻ hơn để bổ sung nguồn khí đốt dự trữ.

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, các nước thành viên EU cũng sẽ thảo luận về gói chi tiêu khẩn cấp để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng. Trong khi một số quốc gia kêu gọi khối phát hành trái phiếu chung để tài trợ cho các khoản nợ, thì các thành viên “chặt chẽ” hơn cho rằng hàng trăm tỷ euro chưa được sử dụng từ các chương trình hỗ trợ trước đó nên được chi tiêu trước.

Đức lên kế hoạch áp trần giá điện

Để góp phần huy động ngân sách cho việc áp trần giá và ổn định hệ thống truyền tải điện, chính phủ Đức đang cân nhắc đánh thuế một phần lợi nhuận của các công ty điện. Mức trần giá sẽ dựa trên mức tiêu thụ điện hàng năm trước đó. Cơ chế này cũng tương tự với trần giá khí đốt, với các chi tiết đã được chính phủ thông báo đầu tháng này.

Khác với giải pháp hỗ trợ người tiêu thụ khí đốt mà chính phủ đề xuất, kế hoạch áp trần giá điện không bao gồm khoản thanh toán một lần bằng hóa đơn điện một tháng trong năm nay. Theo kế hoạch trên, chính phủ sẽ đánh thuế lợi nhuận của các công ty điện. Italy và Anh đã áp mức thuế tương tự, trong khi Tây Ban Nha áp thuế tạm thời.

Trong tháng trước, Ủy ban châu Âu đã đặt ra cơ chế thuế phụ thu với các công ty năng lượng, nhưng do sự phản đối của Đức, Ủy ban này đã cho phép các thành viên cân nhắc các biện pháp riêng.

Mỹ kêu gọi các công ty năng lượng trong nước tăng sản lượng dầu

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các công ty năng lượng Mỹ tăng sản lượng dầu và giảm giá xăng bán lẻ khi ông công bố một đợt giải phóng mới từ Kho dự trữ dầu chiến lược quốc gia (SPR) nhằm giảm giá nhiên liệu. Ông nói: “Chúng ta cần tăng sản lượng khai thác dầu của Mỹ một cách có trách nhiệm mà không trì quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch”.

Ngoài việc kêu gọi tăng cường sản lượng, ông Biden lặp lại lời kêu gọi của mình về việc yêu cầu các công ty nhiên liệu giảm giá cho người dân, với lập luận rằng giá xăng hiện đang không giảm theo xu hướng chung của giá dầu thô.

Tổng thống Biden xác nhận dự định đưa ra thị trường 15 triệu thùng dầu từ kế hoạch giải phóng lượng dầu kỷ lục 180 triệu thùng từ SPR và cho rằng Mỹ có thể sẽ giải phóng thêm nếu giá năng lượng tăng đột biến. Các quan chức Mỹ cho biết, khoảng 400 triệu thùng vẫn còn trong SPR và con số này sẽ tăng lên khi giá dầu giảm đủ mạnh.

Ukraine hạn chế sử dụng điện trên toàn quốc

Ngày 19/10, Ukraine đã hối thúc người dân hạn chế tiêu thụ điện nhằm ứng phó với tình trạng hạ tầng điện bị hư hỏng nặng. Phó Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Ukraine nhấn mạnh người dân cần giảm thiểu sử dụng điện trong khung giờ từ 7h đến 23h, nếu không sẽ phải chuẩn bị cho khả năng bị cắt điện. Việc sử dụng đèn đường chiếu sáng tại các thành phố cũng bị hạn chế.

Phát biểu sau cuộc họp với các công ty năng lượng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các doanh nghiệp nước này đang chuẩn bị cho mọi tình huống khi mùa đông đến, đồng thời chính phủ đang nỗ lực lập các điểm cung cấp điện di động cho các hạ tầng thiết yếu tại các thành phố cũng như các ngôi làng.

Trước đó, Chính phủ Ukraine đã cảnh báo nguy cơ mất điện vì hơn 30% trạm điện bị phá hủy do xung đột. Thị trưởng Kiev, ông Vitaliy Klitschko kêu gọi người dân hạn chế sử dụng các thiết bị điện để giúp ổn định hoạt động của hệ thống năng lượng quốc gia.

Mỹ xả kho 15 triệu thùng dầu dự trữ để ổn định thị trường

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19/10 (giờ địa phương) tiếp tục giải phóng 15 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược, sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC+) cắt giảm sản lượng.

Theo ông Biden, với động thái “xả kho” mới nhất này, tổng cộng 180 triệu thùng dầu sẽ được “giải phóng” theo kế hoạch của chính quyền hồi tháng 3 trong bối cảnh quan ngại về năng lượng toàn cầu liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine. Nhà Trắng trong ngày 19/10 cho biết 15 triệu thùng dầu sẽ được giao vào tháng 12 tới.

Việc liên tục xả kho khiến dự trữ quốc gia của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất từ hồi năm 1984. Chính quyền Mỹ gọi động thái này là “cây cầu thời chiến”, trong bối cảnh Washington và các đồng minh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Ai Cập sẵn sàng xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Liban

Trong cuộc gặp tại Cairo với Bộ trưởng Năng lượng và Nước của Liban, Walid Fayyad, Bộ trưởng Dầu mỏ và Khoáng sản của Ai Cập, Tarek El-Molla, khẳng định nước này cam kết và sẵn sàng xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Liban, ngay sau khi các thủ tục liên quan đến việc bắt đầu tiếp nhận khí đốt của Ai Cập trên lãnh thổ Liban hoàn tất.

Vào tháng Sáu vừa qua, Ai Cập, Liban và Syria đã ký một thỏa thuận ba bên nhằm vận chuyển 650 triệu m3 khí đốt tự nhiên. Thỏa thuận này cho phép việc vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Ai Cập đến Liban, thông qua Đường ống Khí đốt Arập (AGP) đi qua lãnh thổ Syria.

Ai Cập, Liban và Syria cũng tìm cách xin sự chấp thuận của Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm tài trợ cho hoạt động xuất khẩu khí đốt từ Ai Cập sang Liban qua Syria, đồng thời cũng loại trừ Ai Cập khỏi các lệnh trừng phạt áp dụng đối với việc vận chuyển hàng hóa qua Syria theo “Đạo luật Caesar” mà Mỹ áp đặt đối với Syria.

Qatar dự báo khủng hoảng khí đốt ở châu Âu sẽ tồi tệ hơn vào năm 2023

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times, Bộ trưởng Năng lượng Qatar, nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới, cảnh báo châu Âu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên trong vài năm tới do cắt đứt nguồn cung từ Nga.

“EU không có đủ khối lượng thay thế khí đốt Nga trong dài hạn, trừ khi họ sẽ xây dựng các nhà máy hạt nhân khổng lồ, cho phép sử dụng than đá, đốt dầu nhiên liệu”, Bộ trưởng Năng lượng Qatar giải thích.

Ông Kaabi cảnh báo mặc dù các quốc gia châu Âu đã tích lũy đủ khí đốt trong các cơ sở lưu trữ để vượt qua mùa đông sắp sắp tới một cách tương đối bình yên, nhưng không có gì chắc chắn rằng điều này sẽ xảy ra trong các mùa trong tương lai. Ông cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng có thể tồi tệ hơn nhiều vào năm tới.

https://petrovietnam.petrotimes.vn/

Liên hệ

  • VĂN PHÒNG GIAO DỊCH:
    Số 194 phố Thái Thịnh - Phường Láng Hạ - Quận Đống Đa - Thành phố Hà Nội
  • Hotline: (024) 385-633-21
  • Fax: (024) 385-633-19
  • Email: pvoilhanoi@pvoil.com.vn
Tin tức khác
Tin tức khác
ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ CÔNG TY CỔ PHẦN XĂNG DẦU DẦU KHÍ HÀ NỘI LẦN THỨ III (NHIỆM KỲ...

Trong không khí vô cùng trang trọng và khí thế thi đua sôi nổi của Người lao động bước vào hoạt động SXKD Quý II/2020, cùng với nhiều chi đảng bộ trong Tổng công ty...

Tin tức khác
PVOIL VÀ VPI KÝ KẾT “HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ TƯ VẤN NGHIÊN CỨU VỀ PIN VÀ TRẠM SẠC CHO XE...

Xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới hiện đang diễn ra ngày càng rõ nét; trong đó có sự xuất hiện của nhiều loại xe ôtô điện với nhiều phân khúc thị trường...

Tin tức khác
Người lao động PVOIL được tiêm vắc xin phòng Covid-19

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp; Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) và các Đơn vị thành viên đã tích cực làm việc với các...

Tin tức khác
Hơn 2.000 Người lao động PVOIL được tiêm vắc xin phòng Covid-19...

Trong 02 ngày 26, 27/6/2021, PVOIL đã tổ chức cho 100% CBCNV, người lao động tại khu vực TP. Hồ Chí Minh được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Có 958 người được tổ chức tiêm,...

CÔNG TY CỔ PHẦN XĂNG DẦU DẦU KHÍ HÀ NỘI
Theo dõi chúng tôi và tham gia bằng cách gắn thẻ trải nghiệm PVOIL Hà Nội trong bài viết của riêng bạn bằng cách sử dụng hangstag

Đăng ký nhận tin từ PVOIL Hà Nội
Đăng ký để nhận thêm thông tin mới của chúng tôi

Xác nhận +
CÔNG TY CỔ PHẦN XĂNG DẦU DẦU KHÍ HÀ NỘI