Những kiến nghị của Petrovietnam với Quốc hội về Luật Dầu khí (sửa đổi)

Ngày 7 và 8-7-2022, đoàn công tác của Quốc hội do Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đơn vị thành viên như Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo).


Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại buổi làm việc với Petrovietnam và Vietsovpetro

Tại các buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Petrovietnam và các đơn vị thành viên đã báo cáo với đoàn công tác tổng quan về quá trình hoạt động; tình hình sản xuất kinh doanh năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động; những đề xuất và kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, đặc biệt là các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí.

Petrovietnam kiến nghị Quốc hội xem xét các kiến nghị của Petrovietnam đối với dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) như:

Bổ sung “Dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ” vào Điều 1 (Phạm vi điều chỉnh) do việc triển khai các dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ là một trong những đặc thù của hoạt động dầu khí, nhà thầu dầu khí tham gia từ khâu thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn của 1 dự án dầu khí sẽ tối ưu hóa và gia tăng được chuỗi giá trị của dự án.

Tiếp tục hoàn thiện quy định về áp dụng Luật Dầu khí, các luật liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế tại Điều 4 để tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các luật dẫn đến việc không áp dụng được trên thực tế triển khai dự án dầu khí.

Bổ sung quy định cụ thể về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí, bảo đảm nguyên tắc công bằng, cạnh tranh, minh bạch.


Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng báo cáo với đoàn công tác của Quốc hội tại buổi làm việc với PTSC

Nghiên cứu để bổ sung vào dự thảo Luật Dầu khí các hình thức, cơ chế ưu đãi khác (ngoài ưu đãi thuế và mức thu hồi chi phí), mở rộng phạm vi áp dụng chính sách ưu đãi đối với các hợp đồng đã được ký kết và đang thực hiện phát hiện có quy mô nhỏ, hiệu quả cận biên, nhằm tận thu tài nguyên và tiết kiệm thời gian...

Đồng thời, để giữ vững vai trò là tập đoàn trụ cột của ngành Dầu khí Việt Nam, Petrovietnam kiến nghị với Quốc hội: Ủng hộ Petrovietnam và các đơn vị thành viên đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi nhằm thích ứng với xu hướng dịch chuyển năng lượng ngày càng nhanh trên thế giới; hỗ trợ Petrovietnam tháo gỡ các khó khăn liên quan đến công tác quản lý hoạt động của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP); đề nghị Quốc hội sớm ban hành cơ chế, chính sách quy định về đầu tư, quản lý vận hành hệ thống kho dự trữ quốc gia về nguyên liệu dầu thô và các sản phẩm xăng dầu để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.


Đoàn công tác thăm khu căn cứ cảng dầu khí PTSC

Đối với các đơn vị chịu tác động trực tiếp của Luật Dầu khí (sửa đổi), Vietsovpetro mong muốn cùng với việc Quốc hội thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi), các văn bản dưới luật sẽ được hoàn thiện sớm, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. PTSC kiến nghị, Luật Dầu khí (sửa đổi) cần có quy định đặc thù cho lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí theo hướng áp dụng tối đa các điều kiện của luật chuyên ngành, phù hợp với thông lệ quốc tế.


Thăm Nhà máy Đạm Phú Mỹ

Đặc biệt, nhằm tăng quyền chủ động cho Petrovietnam, nhất là quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát về công tác tự tổ chức thực hiện các dịch vụ dầu khí đặc thù trong nội bộ Petrovietnam, PTSC kiến nghị Chính phủ phê duyệt cơ chế đặc thù đối với các gói dịch vụ đặc thù thông qua phương án lựa chọn nhà cung cấp riêng, cụ thể: Không tổ chức đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ đặc thù dầu khí đối với các gói thầu do Petrovietnam và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư. Công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu này sẽ được tiến hành thông qua đấu thầu trong nước hoặc qua chỉ định, đàm phán trực tiếp để lựa chọn nhà thầu, ưu tiên sử dụng dịch vụ nội bộ...

PVFCCo có những ý kiến đề xuất, kiến nghị liên quan đến vấn đề nguồn khí, giá khí, về chính sách thuế GTGT đối với phân bón...

Trong chuyến công tác, đoàn công tác của Quốc hội đã đến thăm và động viên CBCNV tàu FPSO Lam Sơn (PTSC); thăm mỏ Thăng Long - Đông Đô; thăm khu căn cứ cảng dầu khí PTSC tại Vũng Tàu và Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Các chuyến tham quan thực địa đã giúp đoàn công tác hiểu hơn về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Petrovietnam nói chung, các đơn vị thành viên nói riêng, từ đó có sự phối hợp hiệu quả hơn với các cơ quan soạn thảo dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Cần bổ sung “Dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ” vào Điều 1 (Phạm vi điều chỉnh) do việc triển khai các dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ là một trong những đặc thù của hoạt động dầu khí, nhà thầu dầu khí tham gia từ khâu thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn của 1 dự án dầu khí sẽ tối ưu hóa và gia tăng được chuỗi giá trị của dự án.

Về dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, các ý kiến phát biểu đều nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí nhằm bảo đảm 6 yêu cầu chủ yếu sau:

Một là, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23-7-2015 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035” và Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hai là, tăng cường tính minh bạch, hướng tới phát triển bền vững ngành Dầu khí Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện lợi thế cạnh tranh của nhiên liệu hóa thạch đang bị suy giảm theo thời gian.

Ba là, đổi mới cách tiếp cận, bảo đảm Luật Dầu khí là luật chuyên ngành về đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.


Đoàn công tác thăm, động viên người lao động mỏ Thăng Long - Đông Đô, Tàu FPSO Lam Sơn

Bốn là, thống nhất nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng Luật Dầu khí là phát triển ngành Dầu khí để phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Năm là, thực hiện cải cách theo hướng hiệu lực, hiệu quả, phân cấp, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan, trong đó, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dầu khí; quy định cụ thể chức năng và cơ chế giám sát, kiểm tra của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với việc sử dụng vốn nhà nước tại Petrovietnam và các đơn vị thành viên; làm rõ vai trò của Petrovietnam với tư cách là nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng khí và với tư cách thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ.

Sáu là, xử lý, tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc trong quy định của pháp luật về hoạt động dầu khí; cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước; hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật và quy hoạch năng lượng để tạo cơ sở bảo đảm sự đồng bộ, kết nối giữa khai thác khí với việc xây dựng các nhà máy điện khí.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban khác của Quốc hội tham gia, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Petrovietnam kiến nghị với Quốc hội: Ủng hộ Petrovietnam và các đơn vị thành viên đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi; hỗ trợ Petrovietnam tháo gỡ các khó khăn liên quan đến Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP); Quốc hội sớm ban hành cơ chế, chính sách về đầu tư, quản lý vận hành hệ thống kho dự trữ quốc gia về nguyên liệu dầu thô và các sản phẩm xăng dầu.

Trúc Vân

Liên hệ

  • VĂN PHÒNG GIAO DỊCH:
    Số 194 phố Thái Thịnh - Phường Láng Hạ - Quận Đống Đa - Thành phố Hà Nội
  • Hotline: (024) 385-633-21
  • Fax: (024) 385-633-19
  • Email: pvoilhanoi@pvoil.com.vn
Tin tức khác
Tin tức khác
Điều động Thứ trưởng Bộ Công thương làm Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam...

Thủ tướng vừa có quyết định số 1819/QĐ-TTg, điều động, bổ nhiệm ông Hoàng Quốc Vượng giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam....

Tin tức khác
PVOIL VINH DANH CÁC TẬP THỂ, CÁ NHÂN XUẤT SẮC NHẤT NĂM 2020

Bên cạnh các hình thức thi đua khen thưởng theo quy định, Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP đã tổ chức chương trình bình chọn danh hiệu “Tập thể - cá nhân xuất...

Tin tức khác
Bầu bổ sung thành viên HĐQT PVOIL nhiệm kỳ 2018-2022

Ngày 26/01/2021, tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL, mã OIL – UpCOM) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2021....

Tin tức khác
Thị trường dầu thế giới tăng giá tuần thứ năm liên tiếp

Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 trong phiên 25/6.

CÔNG TY CỔ PHẦN XĂNG DẦU DẦU KHÍ HÀ NỘI
Theo dõi chúng tôi và tham gia bằng cách gắn thẻ trải nghiệm PVOIL Hà Nội trong bài viết của riêng bạn bằng cách sử dụng hangstag

Đăng ký nhận tin từ PVOIL Hà Nội
Đăng ký để nhận thêm thông tin mới của chúng tôi

Xác nhận +
CÔNG TY CỔ PHẦN XĂNG DẦU DẦU KHÍ HÀ NỘI